BÍ QUYẾT DẠY CON TỰ LẬP CHO BỐ MẸ VIỆT
Trong vài năm gần đây, vấn đề dạy con tự lập đã được bậc làm cha mẹ quan tâm nhiều hơn. Hơn ai hết, những bậc phụ huynh hiện đại hiểu được rằng tính tự lập sẽ là hành trang giá trị nhất trong mọi hành trình học hỏi, trưởng thành của con.
Trong định nghĩa của nhiều phụ huynh Việt, quan tâm con cái đồng nghĩa với việc có thể bảo vệ con mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, đối với xã hội hiện đại này, bố mẹ luôn bận rộn và trẻ em-dù chỉ đang là tuổi ăn tuổi chơi- cũng có nhiều vấn đề của riêng trẻ. Vậy nên, tập cho trẻ tính tự lập từ sớm đồng nghĩa với việc bố mẹ cho trẻ cách tự học được kỹ năng giải quyết nhiều vấn đề, kỹ năng đưa ra quyết định,…Những kỹ năng này đều là những kỹ năng cần thiết trong quá trình trưởng thành của trẻ.
1. Thời điểm tốt nhất để bắt đầu tập cho trẻ tính tự lập
Bố mẹ có biết, bắt đầu từ 9 tháng tuổi trở đi, bố mẹ có thể bắt đầu để trẻ học cách tự xử lý những vấn đề của bé. Ở độ tuổi này, bố mẹ có thể bắt đầu dạy bé về nề nếp sinh hoạt. Sau khoảng thời gian này, khi khả năng hoạt động tay của bé cứng cáp hơn, bạn có thể bắt đầu dạy trẻ về cách dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong. Sau đó, dựa vào những biểu hiện thành thục của bé, bố mẹ có thể dạy trẻ tự làm một số việc như tự ăn.

Vào khoảng độ từ 1-2 tuổi bố mẹ có thể đưa bé đến nhà trẻ. Đi học là một thế giới mới với bé, bé sẽ được tiếp xúc với môi trường khác ngoài nhà ở. Bé được gặp nhiều bạn bè đồng lứa và bắt đầu phát sinh nhiều vấn đề trong việc giao tiếp. Lúc này, bố mẹ có thể thông qua cách ứng xử của bé để xác định tính cách và lựa chọn phương pháp dạy bé tự lập hợp lý.
2. Những điều bố mẹ nên làm khi tập tính tự lập cho con
Việc dễ dàng nhất để bé bắt đầu tính tự lập là bố mẹ hãy cho bé quyền lựa chọn. Ở độ tuổi từ 9 tháng, bạn có thể tập cho bé tập ra quyết định về món đồ chơi bé thích, quyển sách bé muốn mẹ đọc hay thậm chí là những món ăn trong bữa ăn.
Ở độ tuổi bé nói được và bắt đầu khám phá, khi được hỏi, bố mẹ không nên trả lời ngay. Việc đặt ngược lại câu hỏi sẽ kích thích trí tò mò của bé và giúp bé khám phá tốt hơn thế giới xung quanh. Cũng ở độ tuổi này, bé bắt đầu gặp phải những vấn đề trong giao tiếp với bạn bè xung quanh. Lúc này, hãy giúp trẻ tìm ra cách giải quyết vấn đề bằng cách đặt câu hỏi. Cách này sẽ giúp trẻ tự tìm ra cách giải quyết (theo định hướng đúng đắn của bố mẹ) vấn đề của bản thân, tạo tiền đề để giải quyết nhiều vấn đề phức tạp hơn về sau.

3. Những khó khăn bố mẹ có thể gặp phải và cách khắc phục.
Khi bắt đầu dạy con tính tự lập, cả bố và mẹ đều phải có sự thống nhất trong cách dạy con. Bởi vì nếu trẻ biết được một trong 2 người có xu hướng nuông chiều, trong trẻ vẫn sẽ có sự ỉ lại vào người đó. Ví dụ như bố nghiêm khắc, nhưng mẹ lại hiền dịu nuông chiều, điều này khiến trẻ sợ bố và hay tìm đến mẹ để có được điều trẻ muốn.

Có thể, khi người khác nhìn vào cách dạy con của gia đình sẽ có sự không đồng tình (vì văn hóa Á Đông có xu hướng bao bộc trẻ em. Tuy nhiên, bố mẹ nên vững tâm nhé, bố mẹ là những người hiểu rõ nhất áp lực của thế giới hiện tại lớn đến thế nào, và lúc này, yêu thương con không còn chỉ là bảo vệ, mà là bảo vệ đúng mực và cho trẻ những hành trang để trẻ đủ bản lĩnh vượt qua những khó khăn của cuộc sống trưởng thành.