Phương pháp Montessori chỉ ra rằng từ 3 tháng tuổi đến năm 6 tuổi là giai đoạn vô cùng nhạy cảm đối với sự phát triển của trẻ về mặt ngôn ngữ. Trẻ sơ sinh có thể phân biệt được những sự khác nhau trong giọng nói của người lớn, và còn nhận thức được những chuyển động của miệng người nói chuyện.
Chính vì thế có thể phân biệt rất rõ ràng âm thanh ngôn ngữ và có khả năng bắt chước nên khả năng tiếp thu và học các ngôn ngữ khác nhau của trẻ kỳ diệu hơn nhiều so với người lớn.
Thời kỳ nhạy cảm ngôn ngữ của trẻ
Cùng với sự tăng lên của độ tuổi và khả năng tiếp nhận ngôn ngữ, những trẻ được 2 tuổi trở lên sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn bùng nổ về ngôn ngữ.
Ở giai đoạn này, trẻ sẽ tiếp thu mọi thông tin ngôn ngữ từ môi trường xung quanh. Như vậy, ngôn ngữ của người lớn trong đời sống hàng ngày có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ tới trẻ.
Vì vậy, người lớn vần phải nói chuyện văn minh, lịch sự, chuẩn xác để cho trẻ học hỏi. Với sự nâng cao về khả năng ngôn ngữ và vốn từ vựng, trẻ sẽ không thỏa lòng với việc lặp lại và bắt chước nữa, bé sẽ nhận biết được sức mạnh của ngôn ngữ qua việc quan sát những người xung quanh. Như một “con vẹt”, bé cứ nhắc đi nhắc lại những câu nói mà bé cho là hay và lạ khi bé nghe và học được một cách rất hào hứng, thích thú cho dù chẳng hiểu ý nghĩa của câu, từ đó là gì.
Vấn đề thường gặp và cách xử lý trong thời kỳ nhạy cảm ngôn ngữ
- Vấn đề thường gặp:
Một trong những vấn đề thường gặp là trẻ sử dụng những ngôn từ không đẹp. Khi bé sử dụng những từ ngữ không hay, người lớn thường tìm cách ngăn chặn. Tìm mọi cách để uốn nắn hoặc là nổi giận với trẻ. Tuy nhiên, những hành động này càng khiến cho bé cảm nhận sâu sắc được uy lực của từ ngữ. Sau đó, bé sẽ càng sử dụng những câu từ không hay này nhiều hơn. Để uốn nắn hành vi này của trẻ, người lớn cần ghi nhớ một nguyên tắc:
- Cách xử lý:
1. Lờ đi, không có bất cứ phản ứng gì để trẻ không cảm thấy lời nói này có sức ảnh hưởng đến người khác đối với trẻ từ 2 tuổi trở xuống.
2. Khi trẻ lớn hơn, đã có khái niệm phân biệt đúng sai, nên và không nên (thông thường trẻ từ 2,5 tuổi đã có thể hiểu): Bố mẹ nên giải thích rõ ý nghĩa của từ cho trẻ, tại sao nó lại là một từ cấm và người nghe sẽ cảm giác như thế nào khi nghe thấy từ đó. Bằng cách giảng dạy như thế này, trẻ sẽ hiểu được rằng mình đang làm tổn thương và gây khó chịu cho người nghe.
Trong thời kỳ nhạy cảm, chúng ta phải cẩn trọng tạo cho trẻ một môi trường ngôn ngữ phong phú, lành mạnh. Điều này tạo điều kiện cho trẻ phát triển hoàn thiện về ngôn ngữ rất tốt. Trẻ rất dễ bắt chước và cũng rất khó sửa chữa vì chúng nghĩ rằng bố (mẹ)/ những người xung quanh nói được thì con cũng nói được.
Để trẻ phân biết được nói những từ ngữ không hay là hành vi không lịch sự, thiết nghĩ, người lớn phải thật sự gương mẫu tuyệt đối không phát ngôn những từ ngữ đó, và môi trường xung quanh trẻ (hàng xóm, phim ảnh, bạn bè v.v…) cũng cần thiết phải nằm trong vùng kiểm soát để đảm bảo nguồn ngôn ngữ không phù hợp sẽ không lọt vào tai trẻ.